Khoảng 2 tuần đầu sau sinh, một số bé có biểu hiện hạ canxi. Nguyên nhân là vì giai đoạn này, xương của bé phát triển mạnh, đòi hỏi lượng canxi lớn; trong khi đó, nguồn canxi bé hấp thụ qua sữa thường không đủ so với nhu cầu.
Dấu hiệu bé thiếu canxi
- Bé thường hay bị giật mình, quấy khóc khi ngủ. Cơn khóc ở bé có thể kéo dài nhiều giờ đồng hồ.
- Bé xuất hiện dấu hiệu đỏ hoặc tím mặt.
- Bé co cứng toàn thân.
- Bé có biểu hiện khó thở, nôn trớ…
- Trường hợp nặng, bé thở nhanh; đi kèm nhịp tim tăng mạnh, thậm chí, bé có thể bị suy tim.
- Với bé dưới 6 tháng tuổi: Bé hay quấy khóc; bé ra nhiều mồ hôi (nhất là vùng đầu, gáy); bé có dấu hiệu rụng tóc hình vành khăn; đầu bé có thể bị bẹp như cá trê…
- Với bé trên 6 tháng tuổi: Bé thường ra mồ hôi trộm; bé quấy khóc về đêm; bé chậm mọc răng; bé chậm phát triển kỹ năng vận động (chậm biết bò, đứng, đi…). Nếu tình trạng thiếu canxi kéo dài, bé có thể bị chân vòng kiềng, vẹo cột sống…
Lưu ý: Để biết chắc bé có bị thiếu canxi không, bạn nên đưa bé đi khám.
Nguyên nhân
- Bé thiếu chế độ tắm nắng phù hợp; cho nên, bé phải đối mặt với chứng thiếu vitamin D và nguy cơ tụt canxi trong máu.
- Tình trạng thiếu canxi kéo dài có thể do bé bị thiểu năng tuyến giáp trạng.
- Do chế độ ăn uống của bé thiếu canxi.
- Do người mẹ mắc chứng tiểu đường, nhiễm độc thai nghén…
- Do bé bị ngạt, bị thiếu oxy trong máu trong quá trình sinh nở…
Điều trị và phòng tránh
- Nhiều trường hợp thiếu canxi nhẹ, bác sĩ có thể cho bé uống canxi, kết hợp với vitamin D hàng ngày cho đến khi nào lượng canxi trong cơ thể bé ở mức cân bằng.
- Bạn cũng nên cho bé tắm nắng hàng ngày (trước 9h sáng) để bé tăng cường hấp thụ canxi thông qua quá trình tổng hợp vitamin D.
- Chế độ ăn của người mẹ đang cho con bú cần tăng cường các chất giàu canxi như cá, tôm, cua, thịt, trứng, sữa (chú ý nếu bé bị dị ứng)...
Theo Mẹ và Bé